Phong cách Minimalism trong thiết kế nội thất
Xuất hiện từ những năm 1970, Minimalism được xem là một nhánh của phong cách đương đại. Nó có ảnh hưởng mạnh mẽ tới các lĩnh vực như thời trang, âm nhạc, nhiếp ảnh, đồ họa,.. và kiến trúc – nội thất cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Hãy cùng Pi Mộc tìm hiểu Minimalism có ảnh hưởng như thế nào tới kiến trúc và thiết kế nội thất nhé!
Minimalism là gì?
Phong cách Minimalism (tối giản, tối thiểu) là một phong cách thể hiện những khuynh hướng đa dạng của nghệ thuật, đặc biệt trong nghệ thuật thị giác và âm nhạc mà các tác phẩm được tối giản về những yêu cầu thiết yếu nhất của nó. Phong cách tối giản xuất phát trong nghệ thuật phương Tây từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2, rõ nét nhất là trong nghệ thuật thị giác với các tác phẩm hội họa của Mark Rothko. Tuy hiện hữu từ lâu nhưng phải đến khi KTS huyền thoại Ludwig Mies Van de Rohe xuất hiện cùng với quan điểm “Less is More” (tạm dịch: Càng ít Càng tốt) ông đã thực sự mang chủ nghĩa tối giản ứng dụng một cách mạnh mẽ trong lĩnh vực kiến trúc.
KTS huyền thoại Ludwig Mies Van de Rohe với quan điểm “Less is More” trong kiến trúc
Phong cách tối giản trong thiết kế nội thất
Phong cách bố trí nội thất “Minimalism” hiện đang rất được ưa chuộng bởi sự giản dị và tinh tế trong không gian mà nó mang lại. Phong cách Minimalism nghĩa là sử dụng những đường nét đơn giản, thật ít chi tiết, giảm thiểu đồ nội thất, mọi chi tiết đều có lý trong vị trí của mình. Trường phái này hiện tại đang cực thịnh ở Châu Âu – cái nôi của trang trí nội thất. Phong cách Minimalism ảnh hưởng rất mạnh đến xu hướng trang trí nội thất tại các nước Bắc Âu trong những năm cuối thập kỷ 90 cho đến hiện nay, và có ảnh hưởng khá lớn ở Châu Mỹ. Ở Châu Á, Nhật Bản được xem là bậc thầy của phong cách hiện đại và tinh tế này và ta có thể tìm thấy âm hưởng của trường phái Minimalism trong hầu hết các công trình kiến trúc Nhật đương đại lẫn truyền thống.
Tham khảo thêm: Phong cách thiết kế Bắc Âu – Scandinavian
Phong cách Minimalism nghĩa là sử dụng những đường nét đơn giản, thật ít chi tiết, giảm thiểu đồ nội thất, mọi chi tiết đều có chức năng của mình
Những nguyên tắc cơ bản trong thiết kế nội thất Minimalism
Như vậy, làm cách nào để bạn có thể tự tay tạo ra cho mình một không gian đậm chất Minimalist. Sau đây là các yếu tố chính bạn cần chú ý khi muốn thiết kế cho mình một không gian trang nhã theo phong cách tối giản tối thiểu.
1. Tổng thể không gian
Về tổng thể, một không gian được gọi là “tối giản tối thiểu” – Less is more (Ít là nhiều) khi thỏa mãn yếu tố xuyên suốt và giản lược. Xuyên suốt về mặt giao thông, thị giác và giản lược về mặt chi tiết cùng hình kỷ hà. Trong một không gian Minimalist, các yếu tố đều phải gọn gàng và tối giản. Các vách kính lớn và một chiều cao thông thủy thật mạnh mẽ sẽ đem lại hiệu quả đáng chú ý về cảm giác không gian. Các chi tiết dư thừa như trường phái Tân Cổ Điển, Phục Hưng sẽ phải được loại bỏ. Thay vào đó là hình học đơn giản, những đồ dùng nội thất phải đơn giản với những đường nét gọn gàng nhất, nhưng phải thật thoải mái về mặt công năng.
Các vách kính lớn và một chiều cao thông thủy thật mạnh mẽ sẽ đem lại hiệu quả đáng chú ý về cảm giác không gian
2. Màu sắc
Màu sắc sử dụng trong phong cách tối giản thường không nhiều. Không nên quá 4 màu, hợp lý hơn cả là 3 màu với tỷ lệ hòa trộn 60-30-10. 60% màu chủ đạo, 30% màu trung gian và 10% màu nhấn. Gam màu nhẹ nhàng cùng sự tối giản về đường nét khiến không gian theo phong cách Minimalism rất trang nhã và linh hoạt. Gam màu nhẹ nhàng cùng sự tối giản về đường nét khiến không gian theo phong cách Minimalist rất trang nhã và linh hoạt. Màu trắng là chủ đạo, gam màu be dịu làm yếu tố chuyển tiếp và màu nâu trầm là màu nhấn giúp không gian này không bị đơn điệu, mà vẫn hiện đại và trẻ trung. Tuy bạn có thể sơn tường màu gì tùy thích, nhưng màu sắc nguyên bản từ những loại vật liệu như gỗ, bê tông, đá, thép… cũng là một sự lựa chọn hoàn hảo cho một không gian Minimalist. Tường gạch mộc và sàn bê tông được mài nhẵn đem lại cảm giác chắc nặng cho không gian. Tuy nhiên, gia công bề mặt cho chúng phải thật tốt, đặc biệt là khâu chống thấm. Màu sắc tự nhiên của bê tông là một lựa chọn không tồi cho một không gian minimalist.
Màu sắc nguyên bản từ những loại vật liệu như gỗ, bê tông, đá, thép… cũng là một sự lựa chọn hoàn hảo cho một không gian Minimalist
3. Vấn đề ánh sáng
Do hạn chế sử dụng màu sắc trong nội thất, ánh sáng trong phong cách Minimalism được xem như một thành phần trang trí quan trọng để tạo ra các hiệu ứng thị giác và thẩm mỹ. Việc sử dụng ánh sáng, nhất là ánh sáng tự nhiên, được chú trọng nhằm nhấn mạnh các khu vực quan trọng và tạo ra bóng đổ với hiệu quả cao để tôn lên các hình khối của vật dụng và các thành phần kiến trúc khác. Ánh sáng tự nhiên được lọc qua các rèm cửa, các bình phong chắn, xuyên qua các tán cây bên ngoài một cách có chủ đích để khi xuyên vào đến không gian bên trong đạt được hiệu quả chiếu sáng và thẩm mỹ mà người thiết kế đã định hướng trước. Ánh sáng nhân tạo được chọn lọc một cách cẩn thận để nhấn mạnh được hình dạng và cấu trúc của các thành phần trang trí nội thất.Hãy đưa ánh sáng vào một không gian Minimalist một cách gián tiếp, thông qua các khe hở hoặc phản xạ, xuyên qua các vách ngăn mờ như cửa giấy của Nhật. Thứ ánh sáng không quá gắt, nó có sự chuyển độ đều đặn trên bề mặt của diện tiếp xúc, và tại điểm giao giữa tối và sáng, chúng ta sẽ tìm thấy điểm thú vị của việc sử dụng ánh sáng như vậy. Hãy nhớ, Minimalist – tối giản tối thiểu ngay cả trong việc sử dụng ánh sáng. Không có nghĩa tiết kiệm, mà là chắt chiu để ánh sáng trở nên quý giá.
Minimalist chắt chiu để ánh sáng trở nên quý giá
4. Vật liệu
Cũng giống như nhiều phong cách nội thất khác, vật liệu dành cho Minimalist rất đa dạng và được sử dụng tùy thuộc theo sở thích của bạn. Nhưng hãy lưu ý đến cách thi công và chất cảm của bề mặt. Một bề mặt bê tông trần, cốp pha gỗ hoặc tre một cách đơn giản. Hay bề mặt gỗ tự nhiên được xẻ vào đúng thời kì thân gỗ có độ ẩm vừa đủ, được đánh dầu thủ công cho lên màu đúng của nó, hoặc bề mặt đá nhám và gồ ghề sẽ tạo lên những tiết diện tuyệt vời cho chút ánh sáng chắt chiu của bạn có cơ hội được nổi bật.
Trong thiết kế nội thất tối giản cần lưu ý đến cách thi công và chất cảm của bề mặt
5. Vật dụng nội thất
Như tiêu chí mang tính tổng thể của Minimalist, sự đơn giản còn được thể hiện thông qua tạo hình của những vật dụng nội thất. Đồ nội thất trong một không gian Minimalist cần tiết giảm tối đa về các chi tiết. Các yếu tố ngang bằng sắc cạnh được sử dụng phổ biến, nhằm đem tới một không gian trang nhã, nhẹ nhàng nhưng cũng đầy tính hiện đại. Các vật dụng này một mặt đáp ứng được nhu cầu sử dụng, sinh hoạt của con người, mặt khác cũng chính là những thành phần trang trí cho nội thất bên trong. Ví như bàn ghế không chỉ là nơi để ngồi mà còn được xem là những tác phẩm điêu khắc làm nên nét đẹp cho không gian bên trong.
Các vật dụng nội thất đáp ứng được nhu cầu sử dụng, sinh hoạt của con người, đồng thời cũng là thành phần trang trí cho nội thất
Không chỉ là một phong cách trang trí nội thất và kiến trúc, Minimalism còn biểu hiện được phong cách sống của chủ nhân. Với phương châm loại bỏ những gì không cần thiết, phong cách này thật sự thích hợp với những người thích ngăn nắp, tự do và phóng khoáng.
Pi Mộc tổng hợp
0 comments